Thông tin đưa ra tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Bộ GTVT và Sở GTVT 63 tỉnh, thành phố về công tác vận tải hàng hóa gắn với phòng chống dịch COVID-19 diễn ra sáng 19/8. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam và lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương).
Chủ động tháo gỡ cho lưu thông lúa gạo
Ông Trần Thanh Nam cho biết, tính đến ngày 12/8, vụ lúa Hè Thu tại các tỉnh/thành phố khu vực ĐBSCL đã thu hoạch được 780.000 ha, sản lượng đạt khoảng 4,524 triệu tấn.
Dự kiến thu hoạch rộ trong tháng 8 và dứt điểm khoảng vào giữa tháng 9/2021. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay với ngành nông nghiệp đó là việc áp dụng Chỉ thị 16 tại các tỉnh, thành phố phía nam dẫn đến tình trạng tắc nghẽn lưu thông lúa, gạo, hàng hóa từ ruộng về nhà máy và từ nhà máy ra các cảng biển để xuất khẩu.
“Hiện nay, người nông dân đang thu hoạch lúa trong khi các cấp xã, thôn, ấp áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch… dẫn đến thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động thời vụ trên đồng, từ người đi thu mua cho đến người gặt lúa, bốc vác xuống ghe.
Thông thường, người dân sẽ sử dụng ghe, thuyền gia dụng để vận chuyển lúa từ ruộng, đồng, tuy nhiên, hiện nay, các phương tiện này không thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác, đặc biệt là khu vực kênh, mương thủy lợi nội đồng gây khó khăn trong lưu thông lúa, gạo”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Trả lời phía Bộ NNPTNT, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa. Vì vậy, toàn bộ hệ thống đường thủy nội địa được coi là hệ thống “luồng xanh” cho các phương tiện thủy nội địa tham gia vận tải hàng hóa.
Đối với vướng mắc hiện nay theo phản ánh của Bộ NNPTNT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, việc quản lý và cho phép các hoạt động ghe, thuyền nhỏ đi trong kênh rạch, tuyến thủy lợi nội đồng là thẩm quyền của địa phương.
Do đó, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa trên đường thủy nội địa nhằm tránh sự đứt gãy chuỗi vận tải, logistics phục vụ sản xuất và cung ứng hàng hóa cho nhân dân.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm.
Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ NNPTNT và chính quyền địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vận chuyển hàng hóa, nông sản trên các tuyến kênh, mương nội đồng để kết nối đến các tuyến đường thủy nội địa và các cảng, bến.
Các doanh nghiệp, người tham gia vận tải hàng hóa phải thực hiện nghiêm hướng dẫn, quy định của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên hệ thống đường thủy nội địa hiệu quả; có phương án tổ chức lao động, sinh hoạt phù hợp để bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K; chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện vận chuyển đúng mục đích, loại hàng hóa và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân kịp thời phản ánh về Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan để được xem xét, giải quyết kịp thời.
Tiếp tục triển khai giải pháp cấp QR code trong điều tiết giao thông
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, giao thông trên các tuyến đường bộ cả nước hiện nay cơ bản thông thoáng, không xảy ra ùn tắc kéo dài, không phát sinh điểm ùn tắc giao thông mới.
Nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có TP. Hà Nội đã lắp camera tại các chốt kiểm soát dịch để quét QR code tự động nên việc phương tiện lưu thông rất thuận lợi.
Đường dây nóng hỗ trợ cấp QR code |
Các Sở GTVT toàn quốc đã thực hiện cấp QR code cho 383.111 phương tiện.
Tuy nhiên, bà Hiền cũng cho biết, do số lượng hồ sơ đăng ký rất lớn, lượng hồ sơ sai lệch, thiếu thông tin, không đủ điều kiện cấp QR code cũng rất nhiều, dẫn đến có thời điểm việc cấp mã còn kéo dài.
Hiện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang phối hợp với Công ty Viettel để khẩn trương hoàn thiện hệ thống phần mềm cấp QR code lưu thông “luồng xanh” theo hướng tự động hóa nhằm rút ngắn thời gian cấp, hạn chế sự tham gia của con người.
Bên cạnh đó, bà Hiền cũng lưu ý về việc doanh nghiệp, lái xe phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin khai báo cũng như việc chấp hành quy định vận chuyển khi được hệ thống cấp QR code.
Thông tin thêm, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, hiện nay, các quy định, hướng dẫn về việc khai báo thông tin cấp QR code, thông tin về các tuyến vận tải được phép lưu thông đã được công bố công khai trên website của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và trên các phương tiện thông tin báo chí, doanh nghiệp và lái xe hoàn toàn có thể chủ động nắm bắt để thực hiện, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng trục lợi.
Về phía Sở GTVT Hà Nội, cơ quan này cho biết đã tiến hành kiểm tra hậu kiểm tại bến bãi đối với 514 phương tiện, lập biên bản xử lý 36 trường hợp, thu hồi 30 mã QR. Sở GTVT Hà Nội cũng đã bố trí hơn 2.000 phương tiện ô tô các loại để sẵn sàng phục vụ cho mọi tình huống.
Hiện nay, qua kiểm tra tại các địa phương vẫn phát hiện ra một số trường hợp lái xe dương tính với SARS-CoV2, cá biệt vẫn có trường hợp lợi dụng giấy nhận diện “luồng xanh” để chở người và hàng hóa cấm.
Tại các điểm hỗ trợ test nhanh của Cục Y tế, Bộ GTVT tại các địa phương, đã hỗ trợ test nhanh cho hơn 15.000 lái xe, trong đó phát hiện ra 26 trường hợp dương tính.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhận định, TP. Hà Nội, TPHCM, TP. Hải Phòng là những địa phương có lượng phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông lớn. Trong bối cảnh chống dịch cấp bách như hiện nay, việc cấp QR code đối với xe ô tô vận tải hàng hóa là giải pháp rất hiệu quả trong việc tổ chức giao thông.
“Cấp QR code không phải điều kiện kinh doanh, không phải một loại giấy phép và không phải là điều kiện bắt buộc để lưu thông.
Việc cấp QR code với đầy đủ thông tin về phương tiện, lộ trình, lái xe và giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực nhằm phân loại các phương tiện được ưu tiên lưu thông qua các “luồng xanh” tại chốt kiểm soát và hỗ trợ các cơ quan quản lý, giám sát, hậu kiểm việc chấp hành phòng chống dịch của doanh nghiệp và lái xe”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Giải thích rõ hơn, Thứ trưởng cho biết, việc kiểm tra đối với phương tiện đã được cấp QR code theo phương thức xác suất, tiền kiểm, hậu kiểm.
Xe vận tải hàng hóa chưa được cấp QR code vẫn được lưu thông bình thường và phải chấp hành các quy định kiểm tra về y tế đối với lái xe và người phục vụ theo xe, kiểm tra việc chấp hành vận chuyển hàng hóa tại các chốt kiểm soát dịch.
Các trường hợp lợi dụng chính sách trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay để trục lợi hoặc vi phạm để chở người, chở hàng hóa cấm, gây lây nhiễm dịch bệnh là hành vi vi phạm pháp luật, cần được các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh, không để dư luận xấu về chính sách của Nhà nước.
Về việc tổ chức giao thông, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu các Sở GTVT địa phương phải linh hoạt, không máy móc, cứng nhắc, mọi hoạt động vận tải trong “vùng xanh” phải được tổ chức bình thường, kiểm soát tốt ranh giới với “vùng cam”, “vùng đỏ” để tránh dịch xâm nhập.
Thứ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương tăng cường trao đổi, phối hợp để kịp thời thống nhất giải pháp, giải quyết các phát sinh thực tiễn trong phạm vi chức năng của các bộ, ngành, việc gì vượt thẩm quyền thì cùng trao đổi, bàn bạc, thống nhất quan điểm, giải pháp để kiến nghị lên cấp cao hơn xem xét, tháo gỡ.
Các sở, ngành tại địa phương như Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, Sở GTVT chủ động thông tin, trao đổi về nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa của địa phương để phối hợp tháo gỡ theo đúng chức năng, thẩm quyền và theo các hướng dẫn chung của Chính phủ , Bộ Y tế và ngành GTVT.
Theo Phan Trang/Báo điện tử Chính phủ (chinhphu.vn)